Sunday, March 6, 2011

Bản quyền 101 hay Nguyễn Hải Phong vs. Uyên Linh

Nhiều ca sĩ trẻ khoái mượn những vụ lùm xùm để quảng bá tên tuổi, song sau đó lại vờ ngây thơ, với cái cớ lặp đi lặp lại là: "Em mới vào nghề, chưa biết gì cả, thông cảm giúp em nhé." Nhưng nếu em đã từng bị loại ở 6 cuộc thi, tham gia hát tại nhiều tụ điểm ở Hà Nội, có những mối quan hệ thân thiết với Hà Linh, Giáng Son, Ngô Bá Lục, ... từ trước Idol, và giờ đây được đỡ đầu bởi ekip đại gia BHD - cái lý do ấy liệu đáng tin bao nhiêu phần? Hoặc là em không đủ nghiêm túc với nghề, nên mới có thái độ xem nhẹ đồng nghiệp và pháp luật. Rõ, em thích gì làm nấy, đâu cần hỏi han ai?

Cánh phóng viên chia sẻ, các "em chả" thường dùng những lý lẽ bào chữa lòng vòng quanh bụi rậm như "em bị xúi", "ai cũng thế nên em thế", "khối đứa sai sao chỉ bắt em"... Fan cuồng đọc vào cũng mủi lòng, thương cảm cho thần tượng; trong khi những khán giả trưởng thành lại lắc đầu ngao ngán.

Sau liên tiếp loạt scandal chảnh chọe, hét giá, đòi cát-sê phỏng vấn, thất hứa fan trên Facebook, hát nhép... được giải quyết theo cách úp úp mở mở dạng "ai hiểu sao tùy tâm", TIỂU DIVA của làng nhạc Việt lại khiến báo chí phải tốn giấy mực khi nhiều lần vi phạm bản quyền ca khúc Đường Cong hậu cuộc thi. Trong vòng chưa đầy 3 tháng mà đã tích cóp scandals hơn cả bậc đàn anh đàn chị suốt mấy năm trời, Uyên Linh xứng đáng với 2 chữ "hiện tượng" đấy chứ? Phải chăng đây là lý do giúp em lọt vào danh sách đề cử giải Cống Hiến?

Theo chia sẻ từ phía cty quản lý Thu Minh, Uyên Linh chưa từng xin phép trước mỗi lần trình diễn Đường Cong, chứ khoan bàn đến phí tác quyền. Họ đã liên hệ Uyên Linh không dưới 3 lần để nhắc nhở, mới nhận được "lời xin lỗi" quý báu từ phía thần tượng của chúng ta. Riêng nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, nếu không mang vụ án này lên báo, chắc cũng đành hát câu: "Nhiều khi ước mơ chỉ là mơ ước."

Ồn ào đến mức mở trang tin tức nào cũng thấy, nhưng đa phần thông tin cứ mập mờ lơ lửng. Đùng một phát, xin lỗi và hết chuyện. Độc giả ngẩn ngơ vì chả hiểu sao luật pháp nước ta lại lỏng lẽo đến thế, để nghệ sĩ mặc sức mượn truyền thông gây rối, sau đó xem như chưa có gì xảy ra?! Hôm nay, đọc blog của anh Thành Nhân và rất vui vì được học thêm chút đỉnh từ lớp "Bản quyền 101".


banquyen1

Bản quyền 101 hay Nguyễn Hải Phong vs. Uyên Linh

KHÚC DẠO ĐẦU

Quan điểm xưa nay của Phạm Thành Nhân quanh các vụ tranh chấp sở hữu trí tuệ là: ra tòa giải quyết. Đã quá nhiều vụ “kiện tụng” chỉ diễn ra trên báo, ồn ào trong dân chúng, lôi kéo một đám đông hỗn loạn rồi... thôi, chẳng đi đến đâu cả. Năm 2008, khi tôi viết loạt bài “Đạo nhạc thời @” [http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Am-nhac/273355/Dao-nhac---can-benh-tram-kha.html] (được xem là chấn động) trên báo Tuổi Trẻ, bạn Kim Thanh ở Đài TNND TP.HCM (VOH) có gọi điện phỏng vấn và tôi đã thể hiện ao ước rằng có một vụ nào đó được đưa ra tòa án và báo chí chúng tôi không phải “phân xử” những điều không thuộc trách nhiệm của mình. Thế nhưng ước mơ vẫn cứ mãi là mơ ước khi các nghệ sĩ thay vì đến tòa lại tiếp tục mượn báo chí để “khóc than” mà trong phần lớn trường hợp là để PR bản thân, chương trình hoặc sản phẩm. Hoặc nhẹ nhàng hơn, họ dùng truyền thông như một công cụ để “rung cây” lẫn nhau, sau đó sẽ giải quyết, thu xếp sau hậu trường.

Nếu đặt câu hỏi báo chí liệu có biết rằng nghệ sĩ đang lợi dụng mình làm PR không, tôi tin rằng nhiều tòa báo và nhà báo đều biết. Như anh trai Ngọc Sơn thường nói - “báo chí là những người vô cùng nhạy cảm”. Song ở chiều ngược lại tôi cũng tin rằng không ít báo muốn nhân sự kiện để câu độc giả. Quan hệ cộng sinh ấy đã dẫn câu chuyện đi quá xa đến mức thành một đám bùi nhùi.

Nhiều năm theo dõi các vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tôi đã may mắn được gặp các luật sư, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, được tiếp cận, xem xét một số tài liệu, sự vụ. Có thể không nhiều lắm, nhưng cũng tạm đủ để nói rằng câu chuyện mà tôi sắp nêu dưới đây rất có thể lại là một vụ lùm xùm trên giấy, để giang hồ lăn tăn dậy sóng một chút rồi cũng thôi.

Trả lời cái còm bác Chung Do Kwan trong status trước: Dạ, ra tòa không tránh được báo và ở ta “vô phúc đáo tụng đình” hầu như là đúng! Nhưng thứ nhất, “họ” có muốn tránh báo đâu, thứ hai, em hãi kiểu xử nhanh của các “tòa” báo và xử trong dư luận lắm ạ. Như hiện nay, có “tòa” này đưa thông tin như muốn đập vào mặt “tòa” kia. Em thành thực mong muốn có một nhân vật dũng cảm khởi kiện chính thức. Khi ra tòa án, ít nhất chúng ta có một kết thúc chính thức dựa trên luật, trên kết quả điều tra với những thủ tục và nguyên tắc rõ ràng, chi tiết. Nếu luật chưa hoàn chỉnh và bản án chưa thỏa đáng cũng có cơ sở để đóng góp xây dựng thêm. Đương nhiên, hành trình đó cũng mệt mỏi và gian nan hơn nhiều so với kiện nhau trên báo. Hy vọng cái mệt mỏi, gian nan đó sẽ khiến người ta ý thức hơn. Còn kiện trên giấy dễ quá, hiện nay ít nhất em đang còn trong tay gần chục vụ chưa đi đến đâu. “Họ” không mệt, “tòa” báo không mệt nhưng... em mệt!

Nhắc lại ước mơ: Thay vì nhảy lên báo, xin các nghệ sĩ hãy dắt nhau ra tòa mà phân định trắng đen.

PHẦN CHÍNH

Sự kiện:

1. Tại vòng chung kết cuộc thi Vietnam Idol 2010, thí sinh Uyên Linh đã trình bày ca khúc Đường cong của tác giả Nguyễn Hải Phong. Bài hát được nhiều người yêu thích.
2. Sau cuộc thi, Uyên Linh đăng quang và vẫn tiếp tục hát Đường cong ở một số sân khấu, sự kiện.
3. Đường cong là tác phẩm đã được bán độc quyền cho ca sĩ Thu Minh (theo lời tác giả Nguyễn Hải Phong) cho dự án Body language.
4. Vẫn theo Nguyễn Hải Phong, Uyên Linh chưa từng xin phép anh để sử dụng ca khúc này.
5. Một lượng lớn khán giả xác nhận Uyên Linh sai.
6. Một lượng lớn khẳng định Nguyễn Hải Phong chẳng qua đang cố làm PR cho dự án của mình, rằng Thu Minh là đàn chị mà xử sự không đẹp, rằng phải cảm ơn Uyên Linh bởi nhờ cô ca khúc Đường cong mới trở nên hot như vậy... blah blah blah...

Đã có nhiều bài báo viết về sự việc, phần lớn theo kiểu vô thưởng vô phạt, đặt dấu hỏi, phỏng vấn các bên liên quan nhưng không dẫn đến bất kỳ kết luận nào và cũng không giúp cho sự việc rõ ràng hơn. Có báo lôi cả Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vào, song nội dung trao đổi với các vị đại diện VCPMC càng khiến câu chuyện thêm rối rắm.


banquyen2

Thu Minh, Hồng Ngọc trong chương trình tối 4/3/2011 tại Phòng trà Đồng Dao - Ảnh: Phạm Thành Nhân

Ai sai? Ai đúng?

Xoay quanh câu chuyện chúng ta thấy rõ nổi lên các nhân vật, gồm: Nguyễn Hải Phong, Uyên Linh, Thu Minh, VCPMC. Công chúng tuy đông nhưng chỉ đóng vai phụ, không quyết định được gì cả, kể cả entry này của Phạm Thành Nhân cũng chỉ là vai phụ.

Kết luận nhanh: Thu Minh hoàn toàn đúng, ít nhất là cho đến lúc này và căn cứ theo nội dung các sự kiện.

Nhưng dựa trên cái gì để kết luận điều đó?

Thu Minh là người mua độc quyền tác phẩm Đường cong cho dự án của mình và tác phẩm đó bị người khác sử dụng - cô là nạn nhân. Điều này cũng tương tự như bạn cưới vợ (được độc quyền sử dụng) mà vợ lại bị thằng hàng xóm “xài giùm” vậy. Đặt trường hợp là bạn trong trường hợp đó, bạn xử sự sao?

Nguyễn Hải Phong đúng bởi anh là tác giả của tác phẩm bị người khác sử dụng mà không hề xin phép anh. Điều này cũng tương tự như bạn có con gái bị ai đó “dzớt” mà cái thằng ấy nó chả thèm đếm xỉa gì đến bạn, chẳng cưới hỏi gì cả.

Uyên Linh sai vì hát bài của người khác mà không xin phép - vi phạm khoản 8 điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006.

Tuy nhiên, Uyên Linh sẽ đúng nếu cô không chủ động hát Đường cong mà hát theo yêu cầu của đơn vị tổ chức biểu diễn. Trong trường hợp này, nếu đơn vị tổ chức biểu diễn không xin phép, trả tiền cho Nguyễn Hải Phong (trực tiếp hay thông qua VCPMC mà Nguyễn Hải Phong là thành viên) thì đơn vị tổ chức biểu diễn sai. Ngược lại, nếu đơn vị tổ chức biểu diễn đã xin phép, trả tiền (trực tiếp hay qua VCPMC) thì đơn vị tổ chức biểu diễn đúng và lúc này Nguyễn Hải Phong sẽ sai.

Nhấn mạnh: Dù ai đúng, ai sai, Thu Minh vẫn đúng.

Đến đây chúng ta gặp một điểm mắc mứu là vai trò của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Căn cứ theo bản hợp đồng mà Phạm Thành Nhân cho là “chết người” ký kết giữa VCPMC và các nhạc sĩ thì VCPMC có gần như toàn quyền đối với tác phẩm của thành viên. Theo hợp đồng, sau khi tác giả đã ký hợp đồng với VCPMC thì không được quyền tự ý ký kết hợp đồng với bên thứ ba nào khác. Các tác giả chỉ được bảo lưu những hợp đồng đã ký trước khi chuyển sang ký hợp đồng với VCPMC.

Dựa trên chi tiết này, VCPMC có toàn quyền cho phép Uyên Linh hoặc một đơn vị tổ chức biểu diễn, sản xuất băng đĩa... sử dụng bài Đường cong mà không cần phải hỏi ý kiến Nguyễn Hải Phong.

Trên thực tế, điều khoản này có một khoản lùi cho tác giả, nghĩa là tác giả (trên thực tế) vẫn có thể ký hợp đồng với người khác (như trong trường hợp này là Nguyễn Hải Phong ký với Thu Minh) nhưng phải thông báo cho VCPMC.

Giả thiết (Phải giả thiết bởi chưa ai làm rõ được chi tiết này) Nguyễn Hải Phong đã có thông báo về tình trạng độc quyền của bài Đường cong với VCPMC, câu chuyện sẽ đi theo hai hướng:

1. Nếu làm căng theo giấy tờ thì VCPMC vẫn đúng, theo luật, bởi căn cứ trên hợp đồng thì Phong không được tự ý ký với Thu Minh mà buộc phải thông qua VCPMC.
2. Nếu theo lẽ thường - tác giả có toàn quyền thì Phong vẫn có thể ký độc quyền riêng với Minh và VCPMC phải từ chối mọi cá nhân, đơn vị muốn sử dụng tác phẩm này khi thời hạn độc quyền giữa Phong và Minh vẫn còn hiệu lực.

Như vậy, để phân định phải trái, trắng đen, chỉ cần làm rõ vài chi tiết, bao gồm:

1. Uyên Linh và/hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn nơi cô đã hát Đường cong đã xin phép và trả phí tại VCPMC chưa? Nếu chưa, họ sai; nếu rồi, họ đúng.
2. Nguyễn Hải Phong đã thông báo cho VCPMC về tình trạng độc quyền của bài Đường cong trước khi phát hiện Uyên Linh hát tác phẩm này chưa? Nếu rồi, xem lại phần giả thiết trên. Nếu chưa, VCPMC đúng khi cấp phép cho bên thứ ba là Uyên Linh hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn sử dụng tác phẩm.

Nhắc lại ước mơ lần nữa: Xin hãy ra tòa để tòa xử! Tôi không phải cán bộ điều tra và cũng không có ý định đóng vai đó trong vụ này.


banquyen3

VĨ THANH

Trong nhiều vụ vi phạm quyền tác giả, có một cái lý vô cùng kỳ cục, không thể hiểu nổi vẫn thường xuyên được đưa ra để bao biện cho hành vi trộm cắp là nạn nhân phải cảm ơn kẻ cắp bởi “nhờ có kẻ cắp mà tác phẩm của nạn nhân được nhiều người biết hơn, trở nên nổi tiếng hơn”. Ai mượn anh quảng bá tôi? Ai cầu, ai khẩn anh? Một lần, tôi nhắc nhở một trang mạng đăng lại bài báo của mình mà không dẫn nguồn, tên tác giả, biết “nó” giả nhời sao không? “Bài hay tụi tao mới chôm, dở chôm chi, mày phải tự hào chứ!”. Miễn bình luận!

Giả thiết bây giờ tôi “oành chíu oành chíu” một cô dù cô ta chưa cho phép và rêu rao khắp chốn là nàng “ngon cơm lắm” thì nàng có phải cảm ơn tôi không?

Nguyễn Hải Phong đang tự PR bản thân và sản phẩm hợp tác với Thu Minh? Nếu điều đó là sự thật thì cũng... bình thường thôi, kỹ năng tiếp thị là một điều kiện cần nếu bạn làm việc trong ngành giải trí. Hãy tự trách bạn đã tạo cớ và tạo cơ hội chính đáng cho họ làm điều đó.

Ai đó chỉ trích Thu Minh là chơi không đẹp, là thế này thế khác xin vui lòng xem lại thái độ của bạn. Có lý nào người ta đã bị cướp vợ còn bị bạn chửi dù người ta chưa hề nói gì, làm gì quá đáng?

Khi bạn bước vào bất kỳ một ngành nghề, lĩnh vực nào, bạn phải trang bị kiến thức về môi trường mình chọn. “Tui mới vào làm mà công ty này khó quá”, “tui còn bỡ ngỡ”, “tội nghiệp tui”, xin hãy nói điều đó với sếp khi bạn mắc lỗi trong công việc. Khi thiên hạ rần rần chuyện lùm xùm của một cô hoa hậu, tôi công nhận báo chí và dư luận có ác với cô ấy. Tôi có thể hiểu cho là “khi người ta trẻ”, nhưng hiểu không đồng nghĩa với thông cảm, càng không đồng thuận với luận điệu “em nó còn nhỏ”. Không, nếu biết mình còn nhỏ, hãy ở nhà với ba mẹ và chọn một con đường khác, còn từ khi em đeo lên ngực số báo danh của một cuộc thi/chương trình được chú ý, số phận của em đã không nằm hoàn toàn trong tay mình nữa!

Tiện đây nêu ra một cái kỳ cục nữa: Tôi hay nghe một số nghệ sĩ, báo chí, khán giả nhắc đến tên cái “Cục tác quyền” nào đó. Xin thông báo luôn là ở Việt Nam không có cái cục ta cục tác đó nghe. Ở đây chỉ có Cục bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, còn cái cục mà các bạn ca sĩ (hình như đang) nói đến là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đôi khi được gọi tắt bằng tên Trung tâm bản quyền (có thể gây nhầm lẫn với một số đơn vị khác như Trung tâm bảo vệ quyền tác giả văn học).! Xin vui lòng Google trước khi “chém gió”!

Nếu hiểu biết về sở hữu trí tuệ của chúng ta chưa đủ, hãy lắng nghe hơn là phán như đúng rồi, rồi tranh luận, rồi chỉ trích người khác. Không phải vì bạn yêu người ta mà người ta trở nên đúng. Cũng không phải vì bạn ghét người ta mà người ta bỗng chốc sai. Đương nhiên, rạch ròi đúng sai là chuyện không đơn giản, nhất là khi con tim hét to hơn lý trí.

Xin cảm ơn Nguyễn Hải Phong và Uyên Linh bởi nhờ vụ việc của các bạn mà Phạm Thành Nhân có cớ để phổ cập chút ít kiến thức về quyền tác giả - lĩnh vực tôi đã dày công theo đuổi.

Cảm ơn tất cả các bạn đã dành thời gian đọc đến những dòng cuối trong cái note dài này.

PHẠM THÀNH NHÂN
(Đã ký tên, đóng dấu)

Facebook | WordPress | Yume | 360 Plus | Zing Me | Opera
Multiply | Blogspot | Tamtay | LiveJournal | AnyArena

No comments:

Post a Comment