Friday, February 10, 2012

Cùng Cực - 1. Vấn đề của em là gì?

rob 255

"Anh không hiểu vấn đề của em là gì? Em không mồ côi, em không vào đời sớm, ba em không nghiện rượu hay đánh đập mẹ em. Gia đình hạnh phúc thế, còn muốn gì? Anh cũng không thấy em thích ăn diện, hay ẻo lả, thậm chí em còn chưa quan hệ với ai bao giờ. Làm sao mà em biết? Em đừng có đua đòi, quay về cuộc sống bình thường đi!"

...

1. Vấn đề của em là gì?

Em bình thường.

Tôi bình thường, hay ít ra, đó là tôi nghĩ như vậy. Tôi sống theo cái bình thường của tôi, chứ không phải những tiêu chí "bình thường" mà xã hội đặt ra. Thiết nghĩ, bình thường là khi ta cảm thấy thoải mái nhất, không lo lắng, không hồi hộp, không sợ sệt, không toan tính. Ví dụ nhé, nếu thiên hạ cho rằng nốt ruồi trên ngực là bất thường, nhưng riêng tôi thấy cái đấy chả có gì to tát, thì tôi sẽ chẳng bao giờ đủ nhạy cảm để luôn tìm cách che đậy nó.

Tôi xem chuyện đồng tính tương tự nốt ruồi trên ngực. Nó đã dần lớn theo thời gian, như mọi bộ phận khác trên cơ thể tôi, và tôi sống hòa thuận với nó.

Vấn đề của tôi là tôi quá bình thường, ngay cả khi tên tuổi ngày càng được nhiều người biết đến, đồng thời có sức ảnh hưởng trong một cộng đồng nhất định. Đã 2 lần, tôi được sinh viên RMIT và Văn Lang chọn làm nhân vật phỏng vấn, và họ đều tỏ ra khá ngạc nhiên vì tinh thần phóng khoáng, cởi mở trước người lạ của tôi. Tôi gần như không có bí mật. Nếu tôi giữ bí mật, thông thường, đó là bí mật cho một người khác hay một tập thể chung.

Ruột để ngoài da có gì hay? Đúng thật, người ta bảo, bí mật làm cho bạn thêm quyến rũ. Thế thì tôi đành chịu, vì tính vốn cương trực, thẳng thắn và quyết liệt. Tôi sẽ không chấp nhận hy sinh bản thân để trở thành một kẻ quyến rũ khác mình.

Ấy chết. Tại sao... đàn ông quá như thế? Chốc lát lại có người đến xoa bóp, "Gồng nãy giờ mỏi không?" Ha ha ha.

Tôi ghét cách dùng "đàn ông" và "đàn bà" như tính từ, đặc biệt với mục đích hạ thấp một ai đó. Nếu muốn chỉ trích, hãy chỉ trích những gì hắn làm, chứ đừng tự chứng tỏ bản thân là một tên kỳ thị. Âu cũng khó trách... ở một xã hội đã thiếu thốn sự bình đẳng giới tính suốt nghìn năm. Thậm chí rất đông người Việt hiện nay vẫn thường xuyên dùng từ "đàn bà" theo nghĩa tiêu cực. Xấu hổ thay, đến cả chị em cũng dần quen với sự nhục nhã này, xem như "bình thương". Một số còn AQ, cho rằng... "đàn bà" khác "phụ nữ". Có khác không?

Hóa ra chị em thật sự nghĩ người đàn ông "nguyên chất, dị tính và mê gái" sẽ chẳng bao giờ buôn chuyện, hóng hớt và đanh đá? Đó là những tật xấu chung của con người, nào phải đặc điểm của riêng các chị? Tiêu biểu về phát ngôn đanh đá, ngoài Bắc có Quốc Trung, trong nam có Quốc Bảo. 2 ông nhạc sĩ này đều từng qua lại với bao nhiêu phụ nữ, rốt cục cũng đâu bỏ được thói đanh đá? Đấy là chưa kể đến Lê Hoàng, người tự đặt bút danh là... Lê Thị Liên Hoan. Rõ ràng chưa? Tự thấy bản thân đanh đá là đưa ngay vào chữ "Thị". Không biết ai hô hào công bằng ra sao, chứ thực chất, kỳ thị giới tính vẫn đang diễn ra nhan nhản tại nước ta.

"Rõ thứ đàn bà bênh vực nhau."

Bất kỳ người đàn ông chân chính nào dám lên tiếng, bảo đảm sẽ nghe mấy câu tương tự như vậy, hoặc nặng hơn. Tranh luận nhiều, tôi biết, chỉ những ai thiếu thốn lý lẽ mới cần chuẩn bị sẵn câu từ để xúc phạm trực tiếp tới cá nhân đối phương. Do đó, không phải nổi nóng khi ta đang nắm đằng chuôi. Đơn giản, phía kia đang rít lên vì lưỡi gươm vừa cứa vào da thịt thôi. Dẫu sao, đến cuối ngày, sự thật vẫn là vũ khí mạnh nhất. Ta không cần làn da đen óng để phản đối nạn phân biệt chủng tộc, cũng chẳng cần hóa thân thành... cá sấu để phê phán việc lột da động vật và gia nhập hội PETA. Vậy thì dù bạn là đàn ông hay đàn bà, xu hướng tình dục ra sao, cũng đâu liên quan gì đến việc bạn nỗ lực chống lại điều tồi tệ nhất quả đất: Sự kỳ thị.

Cơ mà... Có lẽ tôi vẫn đang "đàn bà" vì tôi nói quá nhiều. Bởi đàn ông giống loài thú mỏ vịt trong phim hoạt họa Phineas & Ferb, thi thoảng mới phát ra tiếng động. Sigh... Bỗng dưng nhớ lại câu này:

There's a man within every woman; there's a woman within every man.

Vấn đề của tôi là tôi đủ bình thường để chấp nhận bản thân, đủ bình thường để không chấp nhận bất kỳ sự vô lý nào ném vào mặt mình. Riêng cách hành xử ra sao, còn tùy thuộc vào từng trường hợp và hoàn cảnh.

Vấn đề của tôi là tôi không đủ yếu đuối để bỏ mặc bản ngã và thỏa hiệp cùng đám đông.

Vấn đề của tôi là tôi không bất-thường-như-những-người-khác.

2. Gia đình hoàn hảo?

1 comment: